Vậy là chỉ còn hơn 1 tháng nữa là lại đến Rằm trung thu. Thị trường bánh Trung thu bắt đầu hoạt động sôi nổi, năm nay bạn mua sẵn bánh ở cửa hàng hay tự làm ở nhà. Bánh ở cửa hàng thì rất tiện lợi, nhưng chưa chắc đảm bảo vệ sinh, và đôi khi là không hợp khẩu vị của bạn (quá ngọt…). Vậy thì theo dõi ngay bài dưới đây Tổng hợp một số công thức làm bánh trung thu đơn giản tại nhà để có thể tự làm ra những sản phẩm bánh Trung thu của riêng mình nhé!
Nội Dung Chính
Cách làm bánh trung thu nướng thập cẩm truyền thống
Nguyên liệu làm vỏ bánh nướng thập cẩm
- Bột mì: 250gr
- Dầu ăn: 50ml
- Nước đường * dùng để làm bánh nướng: 200ml
- ¼ thìa cà phê baking soda
- ½ thìa cà phê nước tro tàu
- 1 lòng đỏ trứng gà
- ½ thìa cà phê rượu mai quế lộ hoặc ½ thìa cà phê ngũ vị hương
*Cách chuẩn bị nước đường làm vỏ bánh nướng:
- Đường vàng: 1kg
- Nước sôi để nguội: 600ml
- Nước tro tàu: 5ml
- 1 quả chanh (lấy nước cốt chanh)
- Mạch nha: 50gr
Bắc nồi lên bếp, đun sôi hỗn hợp gồm nước, đường và nước cốt chanh. Sau đó hãy vặn nhỏ lửa rồi đun tiếp khoảng 30 phút. Tiếp theo, cho mạch nha và nước tro tàu đã được hoà loãng vào, đun thêm 30 phút rồi tắt bếp.
Yêu cầu thành phẩm: Nhỏ 1 giọt nước đường đã đun vào bát nước. Nếu thấy đường rơi chạm đáy, lan rộng ra khắp bát là đạt tiêu chuẩn. Nước đường nên được chuẩn bị trước khi làm bánh từ 1 – 2 tháng vì đường càng để lâu, lúc làm bánh lên màu càng đẹp.
Cách làm bánh nướng trung thu thập cẩm truyền thống thì phần vỏ bánh là vô cùng quan trọng vì vỏ bánh không được quá mềm để tránh bị vỡ, nát, cũng không được quá cứng mà phải đảm bảo đủ độ thơm, mềm. Khi cắt bánh, phần vỏ không bị vỡ theo những đường dao.
Nguyên liệu làm nhân bánh nướng thập cẩm
- Mứt bí: 50gr
- Hạt sen: 50gr
- Hạt dưa: 50gr
- Hạt điều: 50gr
- Lạp xưởng: 40gr
- Vừng trắng rang: 50gr
- Lá chanh: 8 – 10 lá
- Bột bánh dẻo: 100gr
- Nước đường: 100ml
- Mỡ đường*: 50gr
*Cách làm mỡ đường:
Mua mỡ heo về rồi đem rửa sạch, thái hạt lựu sau đó cho vào chảo bắc lên bếp đun sôi (không đun quá kỹ như tóp mỡ, đun vừa phải). Khi mỡ nguội, trộn mỡ với đường theo tỷ lệ 1:2 rồi để hỗn hợp vào tủ lạnh qua đêm, khi thấy mỡ chuyển màu trong là dùng được.
Chú ý: Phân nguyên liệu của cách làm bánh trung thu thập cẩm nướng bạn có thể điều chỉnh theo sở thích của mình. Phần nhân phải đảm bảo độ dẻo, kết dính, không bị vụn khi cắt bánh.
Nguyên liệu hỗn hợp phết mặt bánh
- Lòng đỏ trứng gà: 2 cái
- Trứng vịt: 1 quả
- Dầu mè: 20ml
Trộn tất cả nguyên liệu trên với nhau trong bát to, để riêng để phết mặt bánh trong lúc nướng.
Quá trình thực hiện làm bánh trung thu thập cẩm truyền thống
Bước 1: Cách làm vỏ bánh nướng trung thu thập cẩm:
Trộn đều các nguyên liệu làm vỏ bánh nướng thập cẩm, nhào hỗn hợp thật nhanh và đều tay cho đến khi bột mịn. Sau đó, ủ bột từ 30 phút – 1 tiếng. Tiếp theo chia bột thành những phần nhỏ theo tỷ lệ bột và nhân là 2:1 (vỏ bánh chưa làm dùng màng bọc thực phẩm bọc riêng từng phần để tránh vỏ bị khô)
Bước 2: Cách làm nhân thập cẩm cho bánh trung thu truyền thống:
- Thái nhỏ các nguyên liệu nhân bánh, bỏ các nguyên liệu vào máy xay sinh tố (trừ vừng, mỡ đường, lá chanh, nước đường, bột bánh), xay sơ các nguyên liệu này để đảm bảo độ kết dính vào nhau. Cuối cùng hãy cho các nguyên liệu còn lại vào hỗn hợp.
- Cán mỏng bột và cho nhân vào giữa rồi bọc lại.
- Tiếp theo, cho bánh vào khuôn tạo hình đã lót sẵn giấy nến để tạo khuôn.
Bước 3: Cách nướng bánh thập cẩm
- Bật lò nướng trước khoảng 15 phút ở nhiệt độ 200 độ C trước đặt bánh vào.
- Cho bánh nướng khoảng 10 phút, rồi mở lò nướng, quét hỗn hợp phết mặt bánh lên trên rồi nướng tiếp trong khoảng 10 phút nữa. Lặp lại khoảng 3 lần là bánh chín (liên tục kiểm tra để bánh đạt được màu đẹp và mềm ngon nhất)
- Cuối cùng đợi bánh nguội thì bạn đóng bánh vào túi và thưởng thức dần.
Cách làm bánh nướng thập cẩm trứng muối
Nguyên liệu làm bánh nướng thập cẩm trứng muối
Nguyên liệu và cách làm vỏ bánh nướng tương tự cách làm bánh nướng thập cẩm truyền thống trên.
Nguyên liệu làm nhân bánh nướng thập cẩm trứng muối cũng tương tự cách làm bánh trung thu thập cẩm truyền thống nhưng có bổ sung thêm:
- Mứt chanh: 50gr
- Mứt gừng: 100gr
- Trứng vịt muối: 10 quả
- Rượu mai quế lộ: 10ml
- 1 muỗng canh dầu mè
- Chà bông gà: 200gr
- Đường trắng: 10gr
- 1 củ gừng tươi
- 1 muỗng rượu trắng
- ¼ thìa cà phê hạt nêm
- ½ thìa cà phê muối
Quá trình thực hiện làm bánh trung thu nhân nhân thập cẩm trứng muối:
- Trứng vịt muối đem tách ra để lấy lòng đỏ, ngâm với rượu trắng và gừng đập dập trong 15 phút để khử bớt mùi Sau đó đem ướp với đường trắng, dầu mè trong khoảng 30 phút. Cuối cùng, hấp lòng đỏ trứng vịt muối trong khoảng 30 phút.
- Tiếp theo cho mứt bí, mứt chanh, mứt gừng, mỡ đường, hạt mè, hạt điều và hạt dưa, tất cả đem thái nhỏ rồi trộn cùng bột bánh dẻo, dầu mè, rượu mai quế lộ, lá chanh, chà bông gà, lạp xưởng trong một tô lớn. Sau đó, vừa cho mạch nha vào vừa dùng tay đảo đều hỗn hợp. Tiếp tục cho thêm 50g nước đường làm vỏ bánh nướng vào rồi tiếp tục trộn. Đặt trứng muối vào giữa hỗn hợp và viên tròn nhân. Mỗi nhân nặng khoảng 110g.
- Cuối cùng, bọc nhân với vỏ bánh và nướng tương tự như cách làm bánh trung thu thập cẩm truyền thống ở trên.
Cách làm bánh nướng thập cẩm gà quay
Nguyên liệu làm bánh nướng thập cẩm gà quay
Ngoài những nguyên liệu tương tự như cách làm bánh trung thu thập cẩm truyền thống thì cần bổ sung thêm:
- Mứt gừng: 100gr
- Mứt quất (tắc): 100gr
- Jambon: 150gr
- Gà quay: 300gr
- Chà bông gà: 150gr
- Trần bì: 30gr
- Gừng thái sợi: 200gr
- Nước tương: 30gr
- Rượu gừng: 30gr
- ½ thìa cà phê muối
Quá trình thực hiện làm bánh trung thu nhân thập cẩm gà quay:
Phần vỏ bánh làm tương tự như cách làm bánh nướng trung thu thập cẩm truyền thống
Quá trình làm phần nhân bánh thập cẩm gà quay như sau:
Bước 1: Sơ chế nhân bánh:
- Lạp xưởng đem thái hạt lựu và chiên nhanh khoảng 1 – 2 phút
- Gà quay có thể mua hàng đóng gói ngoài siêu thị hoặc mua thịt gà về rang lên rồi đem xé sợi
- Thái Jambon (thịt nguội), mứt gừng, lá chanh thành các sợi nhỏ
- Chia hỗn hợp hạt điều, mứt sen, mứt gừng, mứt tắc thành 4 phần
Bước 2: Trộn phần nhân bánh:
- Cho các loại hạt, mứt, bột bánh, ngũ vị hương và muối vào tô lớn rồi đem trộn đều. Để hỗn hợp ngấm gia vị và có mùi vị hấp dẫn hơn thì thêm rượu mai quế lộ, rượu gừng, nước đường, tương cùng dầu mè rồi tiếp tục trộn thật đều
- Tiếp theo, thêm gà quay, chà bông, jambon, lạp xưởng vào. Những nguyên liệu này nên cho vào sau cùng để bánh khi cắt ra sẽ đầy đặn hơn và đẹp hơn
- Cuối cùng vo viên và đóng nhân bánh theo tỷ lệ: Bánh 150g thì nhân 90g, bánh 200g thì nhân 120g
Bước 3: Cách đóng bánh nướng bằng khuôn:
Cho bánh vào khuôn tạo hình có đặt sẵn giấy nến, phần mặt bánh ngửa lên trên. Lưu ý phần bột rắc phải thật mỏng. Nếu bột dính trên hoa văn thì cần loại bỏ hết. Giữ khuôn cố định và ấn thật chặt trong khoảng 3 – 4 giây rồi lấy bánh khỏi khuôn.
Bước 4: Nướng bánh:
Các bước nướng bánh cũng tương tự như cách làm bánh trung thu thập cẩm truyền thống.
Một số lưu ý trong quá trình làm bánh nướng thập cẩm:
- Mỗi lò nướng khác nhau sẽ có cài đặt điều chỉnh nhiệt độ khác nhau, vì vậy nên tìm hiểu công suất lò nướng của mình và điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với kích thước cũng như trọng lượng bánh.
- Bánh nên nướng trong 3 lần, mỗi lần từ 5 – 7 phút ở nhiệt độ 200 – 220 độ C. Bánh nhỏ hơn 200g thì cần hạ nhiệt độ lò nướng.
- Hỗn hợp phết mặt bánh không nên làm quá đặc hoặc quá lỏng
- Bánh nướng phải có màu vàng đẹp mắt, tránh để bánh bị quá lửa, bánh nâu sậm hay bánh chưa kịp chín có màu vàng nhạt thì cũng sẽ không được ngon.
Cách làm bánh dẻo thập cẩm truyền thống
Nguyên Liệu làm bánh dẻo thập cẩm truyền thống
Nguyên liệu làm nước đường bánh dẻo
- Đường tinh luyện trắng: 300gr
- Nước: 300gr
- Nước cốt chanh: 5ml
Nguyên liệu làm vỏ bánh dẻo thập cẩm
- Nước đường bánh dẻo: 390gr
- Dầu ăn: 12gr
- Nước hoa bưởi: 6gr
- Bột bánh dẻo Bắc (bột nếp rang): 200gr
Nguyên liệu sên nhân đậu xanh
- Đậu xanh đã xát vỏ: 180gr
- Đường: 80gr
- Dầu dừa hoặc dầu ăn thông thường: 70 – 80 gr
- Bột mì đa dụng: 9gr
- Nước: 270ml
Dụng Cụ
Khuôn làm bánh trung thu 125 gr
Quá trình thực hiện làm bánh dẻo thập cẩm truyền thống
Bước 1: Nấu nước đường bánh dẻo
Đun sôi nước với đường kính trắng rồi hạ lửa nhỏ, thêm nước cốt chanh và đun thêm 15 phút, tắt bếp và lọc qua rây. Sau đó để nước đường nguội thì có thể đem làm bánh.
Bước 2: Chuẩn bị nhân bánh dẻo thập cẩm
- Đậu xanh rửa sạch, đem ngâm khoảng 4 – 6 tiếng cho nở, rồi vớt ra nồi, thêm đường và khoảng 200 ml nước nóng rồi đun đến khi đậu chín nhừ
- Tiếp theo đem xay với nước cho thật nhuyễn, lọc qua rây cho mịn rồi cho vào chảo. Thêm ½ lượng dầu và khuấy liên tục trên lửa nhỏ, tiếp tục thêm lượng dầu còn lại và khuấy đều đến khi thấy hỗn hợp đậu chuyển đặc hơn thì từ từ đổ hỗn hợp bột mì hòa tan với 70 ml nước vào chảo đậu và khuấy liên tục.
- Tiếp tục sên đậu ở lửa nhỏ cho đến khi thấy nhân khô, dẻo, không bị chảy và không dính chảo.
- Sau khi thấy nhân đã đạt thì tắt bếp và để hơi nguội rồi chia nhân thành các phần bằng nhau. Viên tròn nhân và bọc lại bằng màng bọc thực phẩm để tránh bị khô trong quá trình làm vỏ bánh.
Bước 3: Chuẩn bị vỏ bánh dẻo
- Trộn đều hỗn hợp nước đường và nước hoa bưởi rồi thêm từ từ bột bánh dẻo và khuấy nhanh tay và đều tay. Tiếp đó, xoa 1 lớp bột mỏng lên bột và nhào đến khi thấy bột mịn.
- Cuối cùng, chia bột thành các phần bằng nhau, bọc các phần chưa dùng tới bằng màng bọc thực phẩm để không bị khô vỏ.
Bước 4: Nặn bánh và đóng bánh
- Cán phần vỏ bột thành hình tròn sao cho phần mép mỏng hơn phía trong. Đặt nhân vào giữa và bọc vỏ sao cho vỏ bao sát nhân (chú ý: tỷ lệ bột bánh và nhân bánh là 2:1 ngược lại với bánh nướng thập cẩm). Sau đó, dính các mép bột vào với nhau và xoay cục bột 2 – 3 vòng.
- Cuối cùng cho bột vào khuôn, ấn nhẹ nhàng để bột dàn đều trong khuôn. Để bánh nghỉ trong khuôn khoảng 3 – 5 phút rồi lấy ra là được.
- Đóng bánh vào túi và sử dụng dần.
Cách làm bánh dẻo nhân đậu xanh truyền thống
Nguyên liệu và dụng cụ làm bánh dẻo nhân đậu xanh
Phần vỏ bánh dẻo
- Bột bánh dẻo: 500gr
- Hương hoa bưởi: 1 thìa cafe
- Dầu ăn: 3 thìa cafe
- Đường trắng: 1kg.
- Nước: 1 lit.
- 1 quả chanh.
Phần nhân đậu xanh:
- Đậu xanh đãi vỏ: 300gr
- Đường: 100gr
- Dầu ăn: 2 thìa cafe
Dụng cụ
- Máy xay sinh tố
- Khuôn làm bánh Trung thu lò xo
- Tô trộn bột
- Phới lồng
- Spatula
Quá trình thực hiện làm bánh dẻo đậu xanh truyền thống
Phần nhân đậu xanh:
Bước 1: Ngâm đậu xanh khoảng 3 – 5 tiếng cho đậu xanh nở rồi đem hấp chín.
Bước 2: Sau khi đậu xanh đã chín, đổ đậu vào máy xay sinh tố và cho thêm một chút nước, rồi xay nhuyễn đậu xanh
Bước 3: Sên nhân
Bắc một cái chảo lên bếp, cho đậu xanh và 1 ít dầu ăn vào, bật lửa nhỏ, dùng spatula đảo đều đậu cho đến khi hỗn hợp hòa quyện với nhau, không còn dính chảo nữa là đạt.
Bước 4: Để đậu xanh nguội, nặn đậu xanh thành những viên tròn theo tỉ lệ mà bạn mong muốn, bọc từng viên bằng màng bọc thực phẩm để không bị khô.
Phần vỏ bánh dẻo
Bước 1: Nấu nước đường.
- Cho nước và đường vào nồi, khuấy đều cho đường tan bớt, sau đó bắc lên bếp đun sôi.
- Sau đó đun bằng lửa nhỏ trong 20 phút, khi đường đã tan hết là hoàn thành.
Chú ý: trong khi nấu nước đường thì không được khuấy, vì nếu khuấy sẽ xảy ra hiện tượng lại đường, nước đường sẽ có cặn và không được trong. Có thể sử dụng sản phẩm nước đường làm bánh dẻo để thay thế cho các bước trên.
Bước 2: Chờ nước đường nguội hẳn thì dần dần cho bột bánh dẻo và hương hoa bưởi vào, dùng spatula trộn đều để bột thấm hết nước đường, để bột có độ dẻo và mịn.
Tạo hình bánh
Bước 1: Chia phần vỏ bánh dẻo ra theo tỉ lệ phù hợp với nhân bánh (thông thường tỷ lệ là 2:1), cán mỏng bột rồi bọc lấy nhân bánh. Thao tác này vô cùng quan trọng, trong khi bọc nhân bánh, cố gắng bọc nhẹ nhàng và từ từ sao cho không khí không lọt vào giữa vỏ và nhân, sẽ gây ra hiện tượng bánh bị tách vỏ.
Bước 2: Bọc một lớp bột áo mỏng xung quanh bánh.
Bước 3: Cho một lớp bột mỏng vào trong khuôn làm bánh để bánh không bị dính khi tạo hình. Sau khi tạo hình xong, bạn đã có được những chiếc bánh Trung thu thơm ngon và hấp dẫn rồi đó, đóng bánh vào túi và sử dụng dần nhé.
Bánh Trung thu luôn là một phần không thể thiếu trong ngày Tết trung thu – lễ đoàn viên hàng năm, chiếc bánh hình vuông tượng trưng cho hình ảnh đất, trời, chiếc bánh hình tròn tượng trưng cho hạnh phúc viên mãn. Việc tự tay làm ra một chiếc bánh Trung thu sẽ là món quà chan chứa tình yêu thương của bạn cho những người thân của mình. Hi vọng với bài viết trên: Tổng hợp một số công thức làm bánh trung thu đơn giản tại nhà, các bạn có thể tự tay vào bếp làm nên các sản phẩm bánh trung thu ngon – sạch nhé! Chúc các bạn thành công!